Sản phẩm chăn nuôi: Nghẽn đầu ra vì COVID-19

Nguồn cung vẫn dồi dào

Chiều 31/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ NN&PTNT tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện giãn cách phòng chống COVID-19”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, sản xuất chăn nuôi tương đối ổn định. Đàn bò đạt 6,3 triệu con, tăng 2,4% so cùng kỳ năm 2020; Đàn heo đạt 23 triệu con, tăng 10%; Đàn gia cầm đạt 510 triệu con, tăng 5%. Tổng sản lượng các loại thịt ước đạt 3,69 triệu tấn, trong đó thịt heo 2,3 triệu tấn; Thịt gia cầm 1,08 triệu tấn; Thịt trâu, bò 270.000 tấn; Trứng 9,8 tỷ quả. Bình quân, mỗi tháng sản lượng thịt các loại đạt 527.000 tấn, trong đó thịt heo 333.000 tấn, thịt gia cầm 155.000 tấn, trứng gia cầm 1,4 tỷ quả.

Tình hình tại 19 tỉnh, thành phía Nam trong thời gian qua, sản lượng thịt heo đạt 1,06 triệu tấn, tăng 62%; Thịt trâu, bò 141.000 tấn, tăng 7,3%; Gia cầm đạt 462.000 tấn, tăng 7,9%; Trứng đạt 5,18 tỷ quả, tăng 5,5%.

“Sản lượng sản phẩm chăn nuôi được sản xuất và cung ứng cho thị trường cả nước nói chung và 19 tỉnh, thành phía Nam nói riêng vẫn đang ổn định, dồi dào. Nếu không có khó khăn trong khâu vận chuyển thì hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Dương Tất Thắng cho biết thêm.

 

Phần lớn công nhân lao động tại các cơ sở giết mổ và nhà máy chế biến chưa được tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh: C.P.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam nhận định: “Có thể nói trên bình diện chung, sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu hiện tại. Có một mặt hàng đang thiếu một chút là trứng gia cầm. Sản lượng trứng của cả nước trung bình hiện sản xuất khoảng 32 - 33 triệu quả/ngày, thời điểm cao nhất đạt 42 - 43 triệu quả/ngày. Trong khi đó, nhu cầu của cả nước thời điểm trước khi có dịch COVID-19 khoảng 37 - 39 triệu quả/ngày. Thời gian qua thực hiện giãn cách xã hội do COVID-19 nên người dân có hiện tượng thu gom trứng. Thêm vào đó, hiện là thời điểm sản xuất bánh trung thu nên doanh nghiệp cũng thu gom, điều này đẩy giá trứng lên cao”.

Khó khâu tiêu thụ, giết mổ

Theo ông Dương Tất Thắng, nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi vẫn dồi dào, tuy nhiên gần đây giá các sản phẩm chăn nuôi như gà, vịt… có sụt giảm. Nguyên nhân là do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, số lượng cơ sở giết mổ tạm ngừng hoạt động rất nhiều. Chính vì thế, việc duy trì cơ sở giết mổ là hết sức quan trọng trong việc kết nối cung cầu vì toàn bộ trâu, bò, heo, gia cầm, thủy sản muốn đến tay người tiêu dùng thì phải qua khâu này.        

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện Tây Ninh đang tồn 1 triệu con gà đến ngày xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được. Giá gà công nghiệp lông trắng nay chỉ còn 7.000 đồng/kg, tức 1 con gà trọng lượng 3 kg khi xuất chuồng chỉ bán được khoảng 20.000 đồng, bằng giá quả bí đỏ. Người chăn nuôi chịu lỗ 20.000 đồng/kg khi xuất chuồng.

“Đấu tranh với COVID-19 là cuộc chiến trường kỳ. Làm sao để càng đánh càng mạnh chứ không phải càng đánh càng yếu. Cần tính toán để người chăn nuôi có thể tái đàn thuận lợi về sau, nếu không sẽ có nguy cơ thiếu sản phẩm trong thời gian tới”, ông Xuân nói thêm.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cũng phản ánh, tỉnh Long An đang đối mặt bài toán dư thừa thực phẩm chăn nuôi, không có nơi tiêu thụ. Nguồn thực phẩm này phần lớn trước đây tiêu thụ ở chợ đầu mối, chợ truyền thống nhưng nay đang đóng cửa để phòng dịch. Bên cạnh đó, toàn tỉnh Long An hiện chỉ còn 28/44 có sở giết mổ, heo gà hoạt động. Theo thống kê, Long An hiện còn tồn 2 triệu con gà lông màu, 200.000 con gà ri, 500 tấn tôm chưa tiêu thụ được.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết: Hiện nay, tình hình giá gia cầm đang giảm rất nhiều, với giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg đã không bù lại với chi phí sản xuất. Theo hợp đồng liên kết với trang trại, giá gà Công ty đang thu mua 25.000 đồng/kg, nhưng bán ra chỉ với 8.000 đồng/kg, nên trung bình Công ty bù lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày.

Cũng tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, dù thực hiện “3 tại chỗ” nhưng cũng không tránh khỏi nguy cơ xảy ra lây nhiễm dịch do vẫn còn phương tiện vận tải ra vào nhà máy. Do không thể kinh doanh được, nhiều đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nên đề nghị Nhà nước có các chính sách ưu đãi về nguồn vốn, khoanh nợ, giãn nợ, giảm phí dịch vụ, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất thức ăn, con giống, giết mổ, chế biến, vận chuyển…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam động viên các doanh nghiệp, người chăn nuôi dù khó khăn rất lớn nhưng vẫn cần kiên trì, tiếp tục cố gắng duy trì hoạt động sản xuất để đảm bảo các đơn hàng cho xuất khẩu và cả tiêu thụ nội địa. Đề nghị UBND tỉnh giao quyền chủ động cho sở NN&PTNT trong việc tập hợp danh sách công nhân giết mổ, đóng gói, vận chuyển… tạo điều kiện để tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng này, từ đó sớm khôi phục hoạt động sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân, giảm thiểu các nguy cơ đứt gãy hoàn toàn chuỗi sản xuất chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam: Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân

Đề nghị Tổ công tác kiến nghị có chính sách ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho lao động ở các cơ sở sản xuất thức ăn, giết mổ, đội ngũ vận chuyển… để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng… Tháo gỡ ngay khâu tiêu thụ sản phẩm gia cầm, đặc biệt là lượng gà đang ứ đọng rất lớn, ước tính còn khoảng 7 - 8 triệu con chưa tiêu thụ được. Khâu nghẽn ở đây chính là giết mổ. Theo đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động tăng công suất; Xem xét cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có kiểm soát được hoạt động.

 

Ông Lê Văn Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát: Cho lò giết mổ hoạt động hết công suất

Nguyên nhân khiến gà tồn đọng, giá giảm mạnh là bởi nhiều cơ sở giết mổ lớn phải dừng hoạt động do COVID-19. Theo đó với những nhà máy giết mổ, nếu phong tỏa thì ngành y tế có cách nào để hoạt động lại sớm hơn. Khởi động những nhà máy giết mổ trước đây còn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn, trong lúc này cũng cần huy động nó để lấp đầy khoảng trống trong ngành giết mổ. Ngoài ra, khâu vận chuyển đúng là khốn khổ trong suốt mấy chục ngày qua khi giãn cách xã hội. Các bộ, ngành dù đã có băn bản chỉ đạo rất sát sao nhưng bên dưới lại gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Tổ công tác cần phối hợp với các bộ, ngành để có các giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này.

Theo NguoiChanNuoi