Ngành chăn nuôi năm 2023: Thách thức phía trước

Chi phí tiếp tục tăng

Giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) được dự báo giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao và có thể biến động do bất ổn địa chính trị. Tương tự, giá năng lượng được dự báo tiếp tục bất ổn, mặc dù mức độ thay đổi theo khu vực. Lao động cũng là một trở ngại đối với ngành chăn nuôi do lạm phát có khả năng đẩy chi phí lao động lên cao hơn, theo Rabobank.

Trước tình trạng chi phí leo thang, một số công ty vừa và nhỏ đã cắt giảm nguồn cung và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có một số thị trường đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nguồn cung. Triển vọng thị trường châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước Trung Đông dự kiến vẫn lạc quan với nguồn cung tiếp tục tăng mặc dù nhu cầu chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, tình hình cung - cầu tại những khu vực này được kỳ vọng ổn định và sẽ cải thiện vào nửa cuối năm. Riêng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt tại Brazil đang suy yếu, tuy nhiên xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và gia cầm của nước này vẫn sôi động.

chi phí chăn nuôi

Dịch cúm gia cầm (AI) sẽ tiếp tục tác động đến các thị trường. Sau những đợt bùng phát kỷ lục ở châu Âu và Bắc Mỹ trong năm 2022, dịch bệnh này đã xuất hiện ở Nam Mỹ.

 

Ảnh hưởng đến nhiều thị trường

Mỹ

Giá sản phẩm chăn nuôi sẽ ổn định trong những tháng đầu năm sau đợt giá và biên lợi nhuận thấp hơn vào cuối năm ngoái do cung vượt cầu. Giá một số mặt hàng thịt như gia cầm trong suốt nửa đầu năm 2023 có thể thấp hơn mức trung bình của cùng kỳ năm ngoái, nhưng cao hơn mức trung bình của 5 năm qua. Tốc độ tăng trưởng sản xuất gia cầm tại Mỹ cũng chững lại khi nguồn cung thịt bò giảm mạnh. Nhưng giá gia cầm sẽ có xu hướng cao hơn vào nửa cuối năm nay.

Cuối tháng 12/2022, Rabobank cũng dự báo các hãng chăn nuôi tích hợp tại Mỹ đã ổn định sản xuất, nên giá cả kỳ vọng ổn định trong quý I/2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi Mỹ nửa đầu năm 2023 sẽ khiêm tốn do áp lực chi phí thức ăn nhưng sẽ phục hồi mạnh hơn vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn còn đối mặt nhiều thách thức.

Mexico

Sản lượng thịt gia cầm của Mexico tăng 2,4% trong năm 2022. Mặc dù sản xuất đạt kỷ lục vào tháng 10/2022 nhưng trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng của ngành chăn nuôi nói chung Mexico dự kiến chậm lại. Chi phí thức ăn tăng và gián đoạn sản xuất do AI là nguyên nhân, trong khi đó nhập khẩu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Rabobank cảnh báo ngành chăn nuôi của Mexico đang phụ thuộc vào nguồn TĂCN nhập khẩu và giá mặt hàng này đã tăng 25% so năm ngoái. Cùng đó, lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc GMO có hiệu lực vào năm 2024 sẽ làm tăng rủi ro giá cả TĂCN leo thang trong năm nay. Nhập khẩu của Mexico trong năm 2023 sẽ tăng trong khi nguồn cung nội địa bị thắt chặt.

Brazil

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Brazil đạt kỷ lục trong năm 2022, ước tính tăng 5% khối lượng và 29% giá trị. Brazil đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước AI do dịch bệnh này đã bùng phát ở các nước láng giềng. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng mang lại cơ hội cho các hãng xuất khẩu Brazil.

Tại Brazil, tiêu thụ thịt, nhất là thịt gia cầm đã có dấu hiệu bão hòa. Khả năng cạnh tranh của thịt bò tăng lên cũng khiến tiêu thụ thịt gia cầm tại thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn hơn trong năm nay.

Trung Quốc

Nguồn cung thịt gia cầm tại Trung Quốc dự kiến tiếp tục khan hiếm trong nửa đầu năm nay. Do đó, nhập khẩu có thể tăng mạnh, trái ngược với 10 tháng đầu năm ngoái khi nhập khẩu thịt giảm mạnh.

Mặc dù chịu áp lực giá thức ăn và con giống tăng, nhưng tỷ suất lợi nhuận của các hãng chăn nuôi ở Trung Quốc vẫn khả quan vào năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu có nhiều triển vọng tích cực do nhu cầu trên thị trường thế giới đang vượt nguồn cung.

Thái Lan

Ngành gia cầm là điểm sáng của chăn nuôi Thái Lan trong năm qua với hầu hết các công ty hàng đầu đều đạt kết quả hoạt động khả quan trong quý III. Xuất khẩu gia cầm trong quý III/2022 đạt kỷ lục 285.000 tấn nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ châu Âu, Singapore và Nhật Bản.

Ngành gia cầm Thái Lan hưởng lợi từ thị trường nội địa đang “khát” và ngành chăn nuôi heo gặp khó. Năm nay, ngành gia cầm Thái Lan dự kiến tăng trưởng 2 - 3%, thấp hơn xu hướng trung bình dài hạn trước đại dịch là 5 - 8%.  

Triển vọng của ngành chăn nuôi gia cầm Thái Lan tiếp tục duy trì tích cực trong năm nay, đặc biệt là nửa đầu năm. Tuy nhiên, nửa cuối năm có thể đối mặt tình trạng cung vượt cầu.

Nhu cầu tiêu thụ thịt nói chung và thịt gia cầm nói riêng trên thế giới dự báo duy trì ở mức cao đã mang lại cơ hội cho Thái Lan, trong khi giá thức ăn tại đây cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, Rabobank cho rằng, ngành chăn nuôi Thái Lan có nguy cơ cơ khủng hoảng nguồn cung khi có quá nhiều dự án dàn trải và mở rộng chăn nuôi ồ ạt.

Châu Âu

Triển vọng cho thị trường châu Âu vẫn lạc quan dù không có nhiều dấu hiệu phục hồi tăng trưởng sản xuất. Tuy nhiên, một số quốc gia như Ba Lan và Đức đang tăng nguồn cung. Chi phí TĂCN cao, giá năng lượng leo thang và AI sẽ là những trở ngại lớn đối với tăng trưởng của ngành chăn nuôi châu Âu trong năm nay. Nhu cầu tiêu dùng các loại protein động vật giá rẻ, như thịt gà tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh lạm phát.

Theo Nguoichannuoi.com.vn(dịch từ Wattagnet)